CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHI CỤC DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TP. HẢI PHÒNG
Giải “bài toán” già hóa dân số: Cần cái nhìn công bằng về hôn nhân
anh tin bai

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang có cái nhìn tiêu cực, phiến diện về kết hôn và sinh con. Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ, trong đó có các vấn đề về dân số.
Nỗi sợ hôn nhân
Trên một nhóm kín nổi tiếng chuyên về chủ đề tâm sự, gỡ rối hôn nhân gia đình, L.A.N., 29 tuổi, nhân viên một công ty phần mềm đã chia sẻ cảm nhận của mình sau một thời gian trở thành thành viên thân thiết của nhóm. Theo N., sau khi đọc quá nhiều bài tâm sự về các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, về những chuyện lừa dối, phản bội, những mặt trái quá xấu xí của hôn nhân được phơi bày trên mạng, cô có cảm giác chán nản, sợ hãi việc hẹn hò một ai đó và muốn sống độc thân để tránh khỏi những cảnh khổ đó. N. cũng cho biết, những bài viết về khía cạnh đen tối của các cuộc hôn nhân vốn có xuất phát điểm đẹp cũng làm cô mất niềm tin vào tình yêu và thường có cái nhìn tiêu cực về những người đàn ông muốn tiến đến tìm hiểu mình.
A.N. không phải là trường hợp hiếm hoi hiện nay bày tỏ sự bi quan về tình yêu, hôn nhân và khẳng định không muốn lập gia đình. Một cuộc khảo sát nhỏ do một chuyên san online về tình yêu, hôn nhân và gia đình được tổ chức gần đây cho thấy, trong 100 phụ nữ trẻ từ 22 - 32 tuổi, khi được hỏi nghĩ thế nào về chuyện yêu đương, lập gia đình, sinh con thì gần 40% bày tỏ những bi quan trong hôn nhân hoặc đưa ra ý muốn sống độc thân, số còn lại có ý định kết hôn hoặc chia sẻ mình “chưa quan tâm lắm”, nghĩa là để cho tương lai quyết định. Trong số đó, không ít người được hỏi cho rằng mình có thể trở thành mẹ đơn thân và cũng có những người cho biết không muốn có con vì nhiều nguyên nhân.
Một thực tế là hiện nay, trên mạng xã hội cũng như phim ảnh, đang có nhiều thông tin tiêu cực về hôn nhân, gia đình. Những thông tin nhan nhản về chuyện ngoại tình, đánh ghen, phụ rẫy, lừa đảo nhau về tiền bạc trong hôn nhân được mạng xã hội truyền tải mạnh mẽ như “chuyện thường ngày”. Cạnh đó, phim ảnh cũng thường khai thác nhiều đề tài xoay quanh những drama trong gia đình, đặc biệt là đề tài “người thứ ba”, chuyện mẹ chồng - nàng dâu, cùng với những khía cạnh trái ngang khác như cờ bạc, nợ nần, những vỡ mộng khi chạm vào đời sống hôn nhân… Những mặt trái ấy hàng ngày, hàng giờ tác động vào tâm lý, khiến nhiều người trẻ cho rằng cuộc sống hôn nhân nhiều khổ đau, là “địa ngục” như trên phim ảnh, trên mạng và dần có tâm lý chống đối, quay lưng với kết hôn.
Mối lo lâu dài
Nguyên nhân dẫn đến tâm lý “chán” kết hôn ở một số người trẻ không hoàn toàn xuất phát từ những thông tin tiêu cực mà họ tiếp nhận thường xuyên. Có thể thống kê một số lý do khác như bận rộn mưu sinh, phấn đấu cho sự nghiệp, hoặc môi trường sinh sống, làm việc không có nhiều cơ hội cho chuyện hẹn hò, hoặc đơn giản do “lười”, không quan tâm…
Một số quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, một số nước châu Âu… cũng đang đối mặt với tình trạng “lười” hoặc “ghét” kết hôn. Nhiều người trẻ ở các quốc gia này, vì nhiều lý do đã lựa chọn cuộc sống độc thân, không sinh con. Họ có thể chọn hẹn hò chớp nhoáng qua mạng, hoặc tham gia các game “kết hôn” trên mạng hơn là tìm một đối tượng để nghiêm túc tìm hiểu, lập gia đình. Xu thế này đã làm dấy lên mối lo ngại về sự già hóa dân số, thiếu vắng lao động trẻ ở nhiều quốc gia.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chỉ số già hóa (số người cao tuổi trên 100 trẻ em dưới 15 tuổi) tăng nhanh từ 2009, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già. Xu thế “lười” kết hôn, không muốn sinh con trong một bộ phận giới trẻ càng khiến khả năng già hóa dân số nước ta tăng cao.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay y học tiến bộ, tuy nhiên việc sinh con khi đã lớn tuổi cũng dễ dẫn đến nhiều nguy cơ không tốt cho mẹ và suy giảm sức khỏe cho thai nhi, dễ dẫn đến một thế hệ “yếu đuối” về mặt sinh học. Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó, khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con là rất cần thiết, có thể phần nào giải “bài toán” khó của thời đại.
Theo các chuyên gia xã hội học, việc khuyến khích kết hôn, sinh con cần được thực hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh xã hội, trong đó cần nhấn mạnh yếu tố tuyên truyền. Cần có nhiều hơn những thông tin hay, hữu ích về gia đình. Cần thông qua các tác phẩm nghệ thuật cũng như phương tiện truyền thông để cho thấy những giá trị nhân văn về đời sống hôn nhân và gia đình. Từ đó giúp thế hệ trẻ ngày nay bớt đi cái nhìn lệch lạc, tiêu cực, có nhìn nhận đúng đắn hơn về việc lập gia đình, sinh con, đưa ra những lựa chọn tốt cho bản thân và cho xã hội./.

(nguồn: Ngọc Mai, baophapluat.vn)

Thông tin mới nhất




Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !