CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHI CỤC DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TP. HẢI PHÒNG
Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
 
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng chăm sóc trẻ sơ sinh
 
Theo thông tin của Sở Y tế, tính đến tháng 6-2023, dân số của thành phố đạt 2.128.744 người. Hải Phòng là 1 trong 9 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt mức sinh thay thế nhưng cũng nhiều năm liền nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao; mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Điều này đòi hỏi thành phố, ngành chức năng có giải pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức mong muốn. 
Tăng cao bất thường 
Là huyện ven đô với dân số 204 258 người, tỷ số MCBGTKS của huyện An Dương nằm trong tốp cao của thành phố. Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh toàn huyện là 111,64 bé trai/100 bẻ gái. Đến năm 2022 tỷ số này 114,45 bé trai/100 bé gái. Kết quả đánh giá 6 tháng năm 2023, tỷ số được đẩy lên mốc mới 129,84 bé trai/100 bé gái và dự kiến có thể tăng cao hơn nữa. “Theo kết quả thống kê số sinh 6 tháng năm 2023 trên địa bàn cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của huyện sinh lần 1: 122 bé trai/100 bé gái, sinh lần 2: 138 bé trai/100 bé gái và sinh lần 3: 131 bé trai/100 bé gái. Điều đó chứng minh tâm lý lựa chọn giới tính khi sinh của các thai phụ có lần sinh thứ 2, lần thứ 3 quyết liệt hơn nhiều" - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Dương Bùi Thị Thu Hằng cho biết. 
Còn tại quận Kiến An, MCBGTKS tập trung vào nhóm sinh con lần 1 và lần 3. Trong đó, xu hướng của các cặp vợ chồng trẻ thích sinh một con, nhưng là con trai nên có sự lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ lần sinh đầu hoặc những gia đình sinh 2 con gái tìm cách sinh con thứ 3 là con trai. Cụ thể, năm 2022 và 6 tháng năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh của nhóm sinh con lần 1 trên địa bàn quận là 115 bé trai/100 bé gái, lần 3 là 127 bé trai/100 bé gái. 
Các quận, huyện An Dương, Kiến An, Thủy Nguyên, Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn và Lê Chân là 7 địa phương đang có tỷ số giới tính khi sinh cao trên địa bàn thành phố. Đáng nói, tỷ số giới tính khi sinh cao thường xảy ra ở những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có trình độ học vấn cao do có điều kiện lựa chọn giới tính thai nhi. Nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn tới tình trạng MCBGTKS là tâm lý phải có con trai, thích có con trai của một bộ phận người dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
Tỷ số giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra so với 100 trẻ gái sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh, thành phố. MCBGTKS xảy ra khi tỷ số giới tính lớn hơn 107 trẻ em trai và nhỏ hơn 103 trẻ em trai so với 100 trẻ nữ. Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2009 đến nay, Hải Phòng đang ở trong tình trạng MCBGTKS, tỷ số giới tính khi sinh có giảm những vẫn ở mức cao: năm 2009 là 118,9 bé trai/ 100 bé gái, năm 2019 là 117,3 bé trai/100 bé gái, năm 2022 là 110,31 bé trai/100 bé gái. 
Nguy cơ khủng hoảng thừa nam, thiếu nữ 
Việc MCBGTKS dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu dư thừa nam giới ở độ tuổi kết hỗn dẫn đến nam giới khó lấy vợ hoặc lấy vợ muộn. Theo thông tin của ngành Y tế và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố, sự "khủng hoảng về hôn nhân có thể để lại nhiều hậu quả về nhân khẩu học và xã hội, những thay đổi trong hôn nhân và gia đình. Dự báo trong 20 - 30 năm nữa có 2,3 - 4,3 triệu nam giới trên toàn quốc sẽ không thể lấy vợ là người Việt Nam. Điều đó dẫn đến khả năng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Tình trạng khan hiếm phụ nữ sẽ làm thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá... cản trở nâng cao địa vị của họ trong xã hội.... 
Để giảm tình trạng MCBGTKS, phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh đến năm 2030 của Hải Phòng là 109 bé trai/100 bé gái, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 15 quy định một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ một lần 5 triệu đồng đối với cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh để sinh hai con một bề là gái cam kết không sinh thêm con và được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố. Ngành Y tế phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông vận động để nâng cao nhận thức của người dân từ đó thay đổi hành vi và tôn trọng quy luật sinh sản tự nhiên; thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBTKS.
Từ năm 2020 đến năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn lựa chọn, chẩn đoán sớm giới tính thai nhi tại 13 phòng khám tư nhân đa khoa có khoa sản và phòng khám chuyên khoa sản trên địa bản thành phố. 6 tháng năm 2023, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xác minh, xử phạt đối với một phòng khám về hành vi quảng cáo trên không gian mạng, chứa nội dung thông tin "lựa chọn giới tính phôi, thai nhi”, Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục cho biết./.
(Nguồn: Việt Hoàng Báo Hải Phòng)
 
Thông tin mới nhất




Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !